Học tiếng Trung, tiếng Nhật tại Hải Phòng - đào tạo tiếng Trung, tiếng Nhật tại Hải Phòng - trung tâm ngoại ngữ Trung - Nhật tại Hải Phòng

https://hanngutracviet.com


10 phát minh nổi tiếng của người Trung Hoa

Đã từ lâu, người Trung Hoa được biết đến với sự am hiểu và đi đầu trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về tự nhiên và thiên văn. 

Sau đây là 10 phát minh nổi tiếng của người Trung Hoa xưa:

1. Giấy (năm 105)
 

1

Sự phát minh ra giấy là một sự kiện lớn trong lịch sử loài người. Vào thời Đông Hán (25 – 220), năm 105, Thái Luân, một nhà phát minh sinh năm 61 đã cải tiến nghề làm giấy dựa trên cơ sở làm giấy của nhà Tây Hán, ông sử dụng vỏ cây, dây đay, vải rách… để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Loại giấy này trong các sách cổ gọi là “Giấy tước hầu Thái”. Sau đó, kỹ thuật làm giấy du nhập đến châu Á và lan truyền ra toàn thế giới thông qua Con đường Tơ lụa nổi tiếng.

2. Kỹ thuật ấn loát hoạt tự (960 – 1279)

In khắc gỗ hay còn gọi là ấn loát điêu bản là một kỹ thuật được sử dụng rộng rãi trong triểu đại nhà Đường nhưng việc in ấn một quyển sách vẫn mất quá nhiều chi phí, thời gian lẫn công sức. Trải qua rất nhiều cải tiến, đến thời nhà Tống (960 – 1279), Tất Thăng (990–1051) đã sáng chế ra chữ rời (hoạt tự) đầu tiên làm cho việc in ấn trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Ông dùng đất sét khắc từng chữ một, đem nung cho khô. Sau đó chuẩn bị một khay sắt có rắc sẵn hương tùng, sáp nến, tro giấy… Đem nung khay sắt, hương tùng, sáp nến, tro giấy chảy ra ép lên mặt chữ, khi nguội chữ rời dính chặt vào khay sắt tạo thành bản in. Cuối cùng là phủ giấy, phủ mực lên để in. In xong nung lại khay sắt và lấy chữ rời ra dùng lại.

Đầu tiên kỹ thuật in ấn này được truyền đến Triều Tiên, Nhật Bản, sau đó thông qua người Mông Cổ truyền sang các nước phương Tây. Sự ra đời của kỹ thuật ấn loát hoạt tự đã đẩy mạnh tốc độ giao lưu, phát triển văn hóa giữa các nước trên thế giới, do đó có thể coi đây là một cống hiến lớn của Trung Quốc đối với toàn thế giới.

3. Thuốc súng (năm 1000)
 

3

Thuốc súng được phát minh bởi các đạo sĩ, nhà luyện đan khi họ đang tìm kiếm khoáng vật để tu luyện đan dược. Thuốc súng đầu tiên được tạo ra từ hỗn hợp của nitrat kali, than và lưu huỳnh. Hỗn hợp ba loại này cháy rất mạnh. Chính vì vậy người ta còn gọi hỗn hợp trên là “hoả dược”. Tuy nhiên trong thời gian đó, thuốc súng được sử dụng chủ yếu để sản xuất pháo bông phục vụ lễ hội ở cung đình.

4. La bàn (năm 1100)
 

4

La bàn là vật dụng để định hướng có thể dùng trên bộ, dưới nước hay cả trong không gian. Lịch sử la bàn bắt đầu từ rất sớm từ hơn 1000 TCN khi người Trung Quốc phát hiện ra từ lực và nam châm, họ cũng được xem là nước đầu tiên sử dụng la bàn trong ngành hàng hải. Thương nhân Ả Rập khi sang Trung Quốc trao đổi, buôn bán đã học được cách chế tạo và sử dụng la bàn, từ đó dần dần la bàn phát triển sang các nước phương Tây.

5. Rượu (khoảng 2000 TCN – 1600) 
 

Các cư dân của bán đảo Ả Rập được cho là những người sản xuất rượu đầu tiên, tuy nhiên, năm 2013 mảnh gốm được phát hiện tại Trung Quốc có niên đại 9000 năm cho thấy rượu cũng đã từng hiện diện tại đây trong thời gian đó, sớm hơn 1000 năm so với lần đầu tiên rượu xuất hiện ở Ả Rập.

6. Đồng hồ cơ khí (năm 1100)

Chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên được chế tạo bởi nhà sư Nhất Hạnh năm 725, nó vận hành bằng cách sử dụng nước làm quay các bánh răng cưa. Hàng trăm năm sau đó, kỹ sư Tô Tụng (1020-1101) phát triển một chiếc đồng hồ tinh vi hơn.

7. Sản xuất trà (năm 2737 TCN)
 

7

Trung Quốc là quê hương của trà, ngành trồng trà và thói quen uống trà đã có một lịch sử lâu đời. Theo thần thoại của người Trung Quốc, ông tổ của ngành nông nghiệp là Thần Nông đã khám phá được trà như một loại thảo dược vào năm 2737 TCN. Ở đất nước này, trà được coi là “quốc ẩm”, nó không chỉ đơn thuần là một thứ đồ uống mang tính phổ thông, mà quan trọng hơn nó còn thể hiện một nét văn hóa dân tộc.

8. Tơ lụa (khoảng 6000 năm trước)

Tơ lụa là một trong những loại vải lâu đời nhất có nguồn gốc từ Trung Quốc. Xuất hiện khoảng 6000 năm trước đây, tơ lụa chỉ dành riêng cho vua chúa và các tầng lớp quý tộc, sau đó lụa dần dần được các tầng lớp xã hội ở Trung Quốc sử dụng và lan rộng đến các vùng khác của châu Á.

Lụa nhanh chóng trở thành một thứ hàng cao cấp và độc quyền của thương nhân Trung Hoa, họ cố gắng giữ bí mật về nghề nuôi tằm dệt lụa. Tuy nhiên, người Triều Tiên đã học được nghề này vào khoảng năm 200 TCN. Sự phát triển của tơ lụa Trung Hoa đã hình thành nên Con đường Tơ lụa nổi tiếng, được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông – Tây.

9. Ô dù (1700 năm trước)
 

9

Theo truyền thuyết, Lỗ Bản, một người thợ mộc đã chế tạo ra chiếc dù đầu tiên lấy cảm hứng từ việc trẻ em sử dụng những chiếc lá sen để che mưa.

10. Thuật châm cứu (5000 năm trước)
 

10

Căn cứ theo sách y học Nội kinh tố vấn luận của Trung Hoa và tài liệu của Thừa đạm am, một châm cứu gia nổi tiếng người Trung Quốc thì châm cứu là một phương pháp chữa bệnh của nước này cách đây hơn 5000 năm. Từ thời Đông Hán và Tam Quốc đã xuất hiện nhiều nhà y học giỏi về châm cứu, trong đó cuốn “Châm cứu giáp ất kinh” đã trở thành bản luận án châm cứu có hệ thống hoàn chỉnh.

Đến thế kỉ 16, châm cứu bắt đầu được giới thiệu sang châu Âu. Sau năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập, châm cứu được phát triển nhanh chóng. Có thể thấy mặc dù đã ra đời cách đây khá lâu nhưng cho đến ngày nay thuật châm cứu Trung Quốc vẫn không hề mất đi giá trị, thậm chí còn ngày càng được mọi người trên thế giới tin dùng.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây