Khoảng thời gian này đang là lúc mà hầu hết các bạn sinh viên đã sẵn sàng cho kì thực tập tốt nghiệp, cũng là lúc bắt đầu làm quen với môi trường công việc chứ không đơn thuần là học tập như trước nữa. Sẽ có rất nhiều thay đổi mà nếu như bạn không chuẩn bị trước thì rất dễ bị "cóng" hay lúng túng. Chuẩn bị hành trang luôn là điều cần thiết cho bạn tự tin hơn trước thử thách cuối cùng của đời sinh viên, hãy sẵn sàng để làm một thực tập sinh bạn nhé!
Phải chỉn chu hơn trong phong cách ăn mặc
Tùy thuộc vào đặc thù của công việc để bạn cần phải thay đổi sao cho phù hợp, tuy nhiên thường thì sinh viên có những style ăn mặc khá thoải mái với quần jean, áo pull và những đôi giày sặc sỡ màu sắc. Điều đó hoàn toàn không phù hợp với môi trường công sở. Phải thay đổi phong cách ăn mặc sao cho chỉn chu, lịch sự, đáp ứng đúng yêu cầu đặc thù công việc. Như quần Âu với áo sơ-mi dành cho nam là một gợi ý điển hình của dân văn phòng chẳng hạn.
Bỏ ngay kiểu "giờ cao su"
Nhiều sinh viên thực tập ngay ngày đầu tiên nhận công việc cũng "đi trễ", rồi viện hết lí do này đến lí do nọ, nào là tắc đường, kẹt xe, báo thức bị hỏng… muôn vàn lí do biện minh. Nhưng thực chất cũng là do thói quen điển hình của thời sinh viên mà ra. Bạn phải bỏ ngay cái thói "giờ cao su" ấy đi, thay vào đó là luôn chủ động đi làm trước 15 đến 30 phút đề phòng những sự cố ngoài ý muốn.
Nắm vững lý thuyết, linh hoạt trong thực hành
Kiến thức của sinh viên được học ở giảng đường đôi khi lại khiến nhà tuyển dụng "mất ăn mất ngủ", khi mà tốt nghiệp loại giỏi nhưng bắt tay vào công việc thì chẳng đâu vào đâu. Tệ hơn nhiều bạn có chẳng nắm nổi lý thuyết sách vở. Thực tập là học làm quen với công việc sau những ngày tháng trên giảng đường, chính vì vậy lý thuyết là điều bạn đã được học và bắt buộc phải nắm vững nó. Cách để bạn tiếp cận nhanh với thực hành là vững lý thuyết và luôn nhạy bén quan sát người hướng dẫn. Thậm chí trước mỗi buổi thực tập bạn đều phải đọc lại lý thuyết chuyên ngành chuẩn bị thật tốt kiến thức nền như vậy thì mới đạt hiệu quả cao.
Làm tất tần tật, từ việc nhỏ đến việc lớn
Điều này rất thường gặp khi thực tập sinh than thở về công việc của mình, nó quá nhàn chăng ? Hay là không phù hợp với trình độ. Mới ngày đầu đi thực tập, chỉ được phân những việc như sắp xếp lại giấy tờ hay chỉ là kiểm tra lỗi chính tả. Nhiều bạn bi quan và bỏ bê khi cho rằng nó không phù hợp. Điều này nên tránh bạn nhé, không chỉ thực tập chuyên môn mà còn là sự đánh giá về thái độ làm việc của bạn nữa đấy. Tốt nhất bạn nên thể hiện tính chuyên nghiệp trong công việc của mình khi chẳng nề hà bất kể việc lớn hay nhỏ nào cả.
Làm quen với áp lực công việc
Điều này có lẽ là cú sốc lớn nhất dành cho những cô cậu thực tập sinh, khi phải thay đổi đột ngột hai môi trường hoàn toàn khác nhau, thậm chí là áp lực gấp trăm lần những kì thi ở thời còn đi học. Khối lượng công việc chất núi, mới bước đầu làm quen chẳng có chút kinh nghiệm nào, trước giờ học hành thoải mái chẳng bị hối thúc gì nhiều, nhưng công việc thì cứ nối dài đằng đẵng chẳng bao giờ hết. Áp lực khiến nhiều bạn từ bỏ và "buông tay" một cách dễ dàng, khuyên bạn nên tập làm quen với điều đó và cách khắc phục duy nhất là bạn phải yêu công việc mà mình đang làm nhiều nhiều hơn nữa.
Thực tập cũng là cơ hội tìm việc làm cho bạn
Tất nhiên rồi, đừng bao giờ nghĩ rằng thực tập chỉ là đi học, nó sẽ là bước đệm đầu tiên trong hành trình tìm việc làm của mình. Chính sách tuyển dụng người tài luôn là tôn chỉ của mọi công ty, họ chẳng bao giờ có thể gạt qua những gương mặt trẻ đầy triển vọng như thế. Bạn thể hiện tốt, đáp ứng nhu cầu công việc, sáng tạo trong mọi tình huống và hòa nhập nhanh chóng vào nhịp độ công việc. Thực tập cũng là một hình thức bạn đi thử việc vậy, một bản hợp đồng sẽ là phần thưởng xứng đáng nếu một thực tập sinh thể hiện tốt những gì mà công ty yêu cầu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn