[TIMKIEMNHANH]

Kung fu Thiếu Lâm Trung Hoa

Thứ năm - 15/12/2016 08:44
Hiện nay, võ thuật Thiếu Lâm được UNESCO công nhận là nền di sản phi vật thể của thế giới.

Với bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ, văn hóa Trung Hoa, trong đó cõ võ thuật thiếu Lâm là một trong những chủ đề yêu thích của các bạn học tiếng Trung.

Khi nhắc đến Trung Hoa thì ta không thể không nhắc tới “võ thuật Trung Hoa”  – là một trong những đề tài được nền điện ảnh quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là võ thuật Thiếu Lâm như: Thiếu Lâm thần quyền, Nam quyền Bắc Cước, Nam Thiếu Lâm… và hầu hết võ thuật Thiếu Lâm được miêu tả rất sinh động và đầy uy lực trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Hiện nay, võ thuật Thiếu Lâm được UNESCO công nhận là nền di sản phi vật thể của thế giới.

Vài nét về võ thuật Trung Hoa và võ thuật Thiếu Lâm
 

học tiếng trung tại hải phòng

Võ thuật Trung Hoa (còn được biết đến với cái tên kung fu) khởi nguồn từ nền văn hóa cổ xưa của Trung Quốc và bắt nguồn từ Đạo Gia. Do đó võ thuật có liên quan đến tu luyện, bên cạnh việc nâng cao đạo đức cũng như kỹ thuật và thủ pháp, võ thuật còn có tác dụng tăng cường sức khỏe và dưỡng sinh, có chức năng phòng vệ và ngăn chặn bạo lực.

Thiếu Lâm tự, tức chùa Thiếu Lâm là ngôi chùa ở Tung Sơn, thị xã Đăng Phong, địa cấp thị Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc, nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay.
Trước kia, nhận thấy các tăng nhân trong chùa không thể chống chọi nổi với thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của vùng núi rừng hiểm trở, Bồ Đề Đạt Ma đã kết hợp các bài tập luyện thở và một số môn võ tay không của Ấn Độ sáng tạo nên một số bài tập để rèn luyện tăng cường sức khỏe phục vụ cho quá trình tu hành. Dần dần những động tác này phát triển thành võ thuật. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng võ thuật để phòng thủ sự tấn công của kẻ địch, như là một phương tiện giữ gìn sức khỏe, và như là một kỉ luật về tinh thần và thể chất. 
Sự hệ thống hóa võ thuật bởi các nhà sư có lẽ bắt đầu với những viên quan võ trong quân đội về hưu và đi tu tại đó. Tu viện là một nơi ở ẩn, không giống như là trong chiến trường, do vậy những người đó có thể trao đổi võ thuật và hoàn thiện hơn võ thuật của mình.  Võ công của Thiếu Lâm tự đạt đến đỉnh cao vào đời nhà Minh (1368–1644), khi vài trăm nhà sư Thiếu Lâm được phong hàm như trong quân đội và đích thân họ chỉ huy các chiến dịch chống lại quân nổi loạn và quân cướp từ Nhật Bản. Vào thời điểm này, các nhà sư Thiếu Lâm đã phát triển môn võ Thiếu Lâm với phong cách riêng biệt.

Kung fu Thiếu Lâm lấy động tác cơ thể làm nòng cốt và chia thành các chiêu thức khác nhau. Một chiêu thức bao gồm nhiều động tác và được xây dựng, phát triển trên cơ sở lý luận y học cổ truyền Trung Hoa, phù hợp với quy luật vận động của cơ thể con người.Trong võ học Thiếu Lâm, động tác và chiêu thức phải đảm bảo kết hợp được giữa động và tĩnh, cân bằng âm dương, cương nhu liền mạch, có thần thái và có hình tượng rõ nét.Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng khác của võ học Thiếu Lâm là nguyên tắc Lục hợp: Tay hợp chân, đùi hợp gối, vai hợp hông, tâm hợp ý, ý hợp khí, khí hợp lực mới có thể tung ra các chiêu thức dũng mãnh và hiệu quả.

Quyền đi theo đường thẳng lại là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất và cũng là dễ phân biệt nhất giữa phong cách võ thuật Thiếu Lâm với các môn phái võ thuật khác. Nghĩa là mỗi một bài quyền Thiếu Lâm từ khởi thức cho đến thu thức đều luôn duy trì hướng vận động theo một đường thẳng.

Phi khúc phi trực (Không cong, không thẳng) chủ yếu chỉ đặc điểm thủ pháp. Khi xuất quyền hoặc xuất chưởng tấn công đối phương, yêu cầu cánh tay thẳng mà không thẳng, cong mà không cong. Bởi vì nếu cánh tay thẳng quá thì các mạch, gân, sẽ trở nên căng, không những dễ bị phản công mà còn gây bất lợi khi thu về. Ngược lại nếu cánh tay cong quá thì vừa không có sức mạnh, vừa làm mất đi cự li có thể đánh vào điểm yếu của đối phương. Vì vậy trong quá trình luyện tập trường kỳ, các võ tăng đã đúc kết được kinh nghiệm “phi khúc phi trực”, có lợi cho cả tấn công lẫn phòng thủ, linh hoạt vận dụng.

Cổn nhập xuất là chỉ khi xuất quyền hoặc xuất chưởng thì cánh tay cần phải xoay vòng. Đặc điểm của nó là, mượn đà xoay chuyển, điều khí ở Đan Điền, trợ lực cho cánh tay đánh vào điểm yếu của đối phương.

Quyền đánh “ngọa ngưu chi địa” nghĩa là nơi trâu nằm. Đây là chỉ đến phạm vi hoạt động của quyền thuật Thiếu Lâm. Thiếu Lâm quyền không cần những nơi đất rộng mới có thể diễn luyện được mà chỉ cần một phạm vi không gian nhỏ hẹp là có thể thực hiện được. Thiếu Lâm quyền không chịu sự ràng buộc về sân bãi, ở mọi nơi, mọi chỗ đều có thể phát huy được uy lực.

Thiền Võ hợp nhất : Thiếu Lâm Tự là nơi xuất phát của Phật giáo Thiền Tông. Tư tưởng Thiền  Tông không những ảnh hưởng đến đời sống của tăng nhân mà còn ảnh hưởng đến phong cách, đặc điểm của quyền thuật Thiếu Lâm. Mỗi một bài quyền Thiếu Lâm đều chứa đựng những triết lý của Phật giáo, coi “tâm” pháp là chiến thuật phi “hình” pháp. Sự vận động của những động tác trong từng bài quyền đều nằm dưới sự chi phối hay trạng thái Thiền định, ví dụ như chắp tay kính lễ, “đồng tử bái Quan Âm”, “Thiên Địa hợp nhất”…Võ thuật Thiếu Lâm có vai trò rất lớn trong nền võ học Trung Hoa, hầu hết các võ phái khác ở Trung Quốc đều có nguồn gốc từ Thiếu Lâm. Thành ngữ có câu: “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” (mọi công phu võ thuật trong thiên hạ đều khởi phát từ Thiếu Lâm).Tuy có một vai trò to lớn như thế nhưng mục đích khởi đầu của môn võ này chỉ đơn giản là để rèn luyện sức khỏe.Ngoài ra, môn võ này còn đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền y học Trung Quốc: Dịch Cân Kinh được biết đến như là phương pháp tập luyện thân thể và gia tăng khí lực. Đây là một cuốn sách võ thuật dạy cách thổ nạp chân khí, nhằm tăng cường sức khỏe. Tẩy Tủy Kinh thì chỉ dẫn cách vận khí để trị nội thương. 
Trong võ Thiếu Lâm, huyệt đạo cũng là một phần quan trọng. Theo quan điểm của người học võ, huyệt đạo là những điểm nhạy cảm trên thân thể, qua đó người dụng võ có thể tấn công vào các huyệt đạo để gia tăng tính sát thương của đòn thế. Bên cạnh đó thì huyệt đạo trong võ thuật cũng gắn trực tiếp với các phương pháp cứu chữa người bị chấn thương, bệnh tật. Các võ sư thường truyền dạy không chỉ phương thức tấn công huyệt đạo mà cả các phương pháp chữa trị bằng huyệt đạo như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu.
Có thể nói võ thuật Thiếu Lâm mang đậm màu sắc thần bí và truyền kỳ. Sự xuất hiện của bộ môn võ thuật này đã đem lại sắc thái văn hóa tiêu biểu cho võ thuật Trung Hoa nói riêng và nền văn hóa Trung Hoa nói chung. Có quan niệm cho rằng, nếu không có Thiếu Lâm thì sẽ không có võ lâm, điều này cho thấy ảnh hưởng của Thiếu Lâm với võ lâm Trung Nguyên không chỉ nhờ vào sự quan minh chính đại mà còn nhờ vào võ công cao và lịch sử lâu đời của Thiếu Lâm. Trong giới võ thuật ai cũng biết đến câu: “Công phu thiên hạ xuất Thiếu Lâm” (võ công của thiên hạ đều từ Thiếu Lâm Tự mà ra). “Thiếu Lâm luôn là ngọn đuốc dẫn đường, là niềm hy vọng của võ lâm bạch đạo”. Thật vậy, từ khi “kung fu Thiếu Lâm” ra đời đã gặt hái nhiều thành công giúp ích cho đất nước. Ví dụ như trong cuộc chiến đấu chống giặc Lùn thời Minh, võ tăng Thiếu Lâm đã từng xông pha duyên hải thể hiện thân thủ, họ còn tham gia trấn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân của Lưu Huệ, Triệu Toại, Sư Thượng Khiếu… Không chỉ trên lĩnh vực võ thuật, võ Thiếu Lâm còn đi vào nền văn hóa Trung Hoa thông qua các trường phái nghệ thuật khác như: xiếc, điện ảnh, văn hóa du lịch…

học tiếng trung tại hải phòng


Các nước quanh khu vực Trung Quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều có những môn phái võ đặc trưng của dân tộc, nhưng do tính giao thoa của văn hoá vùng nên có thể nói là chịu ảnh hưởng khá nhiều từ võ Thiếu Lâm. Việt Nam cũng có truyền thống thượng võ. Đa số các võ sĩ nước Việt đều luyện Thiếu Lâm, Võ Đang, Vịnh Xuân (chú trọng Thiếu Lâm) và tất nhiên là thành thục võ dân tộc. Việt Nam có các môn phái như Vovinam, Võ Nhất Nam, Võ Tây Sơn, Thiếu Lâm Bằng Long Hải, Thiếu Lâm Nội Gia Quyền… có tính chất tổng hợp, liên hoàn công, thủ với phương châm “chủ động”, “bất ngờ”, lấy “yếu đánh mạnh, mềm thắng cứng, cương nhu phối triển”… rất phù hợp với tầm vóc, sức khoẻ người Việt và gắn với đặc điểm truyền thống của một số vùng trong lãnh thổ. 
Võ thuật Thiếu Lâm là khởi nguồn của các môn võ thuật khác của Trung Hoa. Từ ý nghĩa ban đầu là để tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà võ thuật đã được hình thành, hoàn thiện và phát triển thành một hệ thống, góp phần làm giàu cho nền văn hóa Trung Hoa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây